Học ĐH Kinh tế và đi… rửa chén!
ImageNhìn Ngọc Hà khó mà đoán được tuổi cô, những nhà báo nước ngoài khi nghe giới thiệu cô là tổng giám đốc đều ngạc nhiên kêu: “Wow, sao cô nhỏ thế?”. Nhỏ bao nhiêu không biết, chỉ biết rằng con đường cô đã đi qua là một con đường lớn và dài, cô đã tự mình vượt qua một cách thông minh và táo bạo cách đây 11 năm.
Gặp cô trong một góc quán cà phê. Bằng một giọng nói khá quyết đoán, Ngọc Hà kể về cái ngày cô bị bạn bè, gia đình bảo “điên” khi chuẩn bị tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế TP.HCM lại đi xin việc tại khách sạn nổi Sài Gòn (Saigon Floating Hotel). Mà làm gì cơ? Cô bảo: làm phục vụ.
Nói cho sang chứ thật ra công việc Ngọc Hà được phân công là rửa ly, rửa chén dưới bếp tầng hầm, cả ba tháng trời làm việc thực tập sinh mà chỉ được “ló mặt” lên nhà hàng có vài ba lần. Vậy mà mỗi lần nhắc đến công việc ngày xưa này, Ngọc Hà đều khen là “hấp dẫn” bởi nơi đây có phong cách chuyên nghiệp trong huấn luyện và quản lý nhân viên. Từ việc nhỏ nhất như cách cầm chiếc khay cho tới sắp đặt muỗng nĩa từng loại món ăn, chính xác đến từng inch và người quản lý có thể điều hành, quan sát nhân viên thuộc cấp ở mọi góc độ…
Thật ra Ngọc Hà không “điên” như mọi người tưởng, việc cô xuống nơi này làm còn có một điều bí mật: trước đó cô phát hiện dưới tầng hầm của khách sạn nổi có một thư viện với đầy đủ các loại sách về quản lý khách sạn, nhà hàng... Đó là “cẩm nang” của cả một nền công nghiệp ẩm thực.
Hà bảo: “Ngay từ lúc chọn cách đi rửa chén, rửa ly, tôi đã quyết định đến với nghề này một cách nghiêm túc nhất, ở đẳng cấp cao nhất”. Mỗi lúc xong ca, người ta nhanh chân ra về, Ngọc Hà lại lủi xuống tầng hầm và đọc say sưa tất cả. Những cuốn sách mở ra một chân trời quá mới, nói rằng nghề phục vụ đâu chỉ là bưng bê mà là cả một qui trình công nghiệp về quản lý. Rồi những tờ báo mà khách hàng đọc và vứt vào sọt rác, Ngọc Hà cũng lượm mang về nhà đọc. Những ý tưởng ấp ủ cứ lớn dần trong đầu cô.
Hết ba tháng làm thực tập dưới bếp, giám đốc ẩm thực hỏi: “Cô có muốn làm việc ở đây?”. Ngọc Hà gật đầu nhưng bảo: “Để ra trường đã, giờ phải viết báo cáo thực tập”. Ra trường, cô quyết định vào làm phục vụ chính thức.
Ngọc Hà cặm cụi đi con đường của mình: luôn tới trước giờ lên ca 15 phút, chỉnh đốn trang phục, xòe tay để kiểm tra rồi bước vào nhà hàng chụp lấy cái khay như một “vật bất ly thân”, vừa làm vừa xem xét những qui trình đã hết sức chặt chẽ này thể nào cũng còn chỗ cho mình cải tiến. “Người ta chỉ trông hết tám tiếng làm việc là về nhà nghỉ ngơi, đi chơi, mua sắm..., còn Hà thì bỏ ra nhiều thời gian hơn thế để suy nghĩ về công việc bởi Hà say mê nó”.
Cho tới một ngày, có một vị khách lạ cứ nằng nặc hỏi tên Hà: “Tôi thấy cô nói tiếng Anh quá tốt, muốn biết tên thôi”. Sau đó, ông này về nước và viết một bức thư gửi lời cảm ơn tới tổng giám đốc khách sạn. Đó là một vị khách VIP - tổng giám đốc Tập đoàn American Bank. Vị tổng giám đốc khách sạn nổi cho gọi Ngọc Hà lên và gửi một thư cảm ơn khác: “Sự khen ngợi mà khách hàng dành cho cô là sự thành công của công ty. Xin cảm ơn!”. Cô phục vụ hơi bối rối, trả lời đơn giản: “Chỉ là nhiệm vụ của tôi và tôi đã làm tốt thôi!”. Cô khá nổi tiếng từ bữa đó!
Sau một năm làm phục vụ, Ngọc Hà lên chức tổ trưởng giám sát và ba năm sau cô chuẩn bị nhận quyết định làm quản lý nhà hàng thì một vị khách lạ xuất hiện…
Ra đi và mang về…
Lê Thị Ngọc Hà sinh tại TP.HCM, tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 1994.
Hà có một lượng bằng cấp, giấy chứng nhận và thư biểu dương đáng nể: thạc sĩ ẩm thực tại Trường Quản lý nhà hàng Thụy Sĩ; khoa quản trị dự án du lịch tại Đại học Manchester, Anh; khóa học quản trị cao cấp tại Đại học cộng đồng New York, Mỹ.
Hiện nay, Hà đang là giám đốc ẩm thực của chuỗi nhà hàng Nam Phan, Nam Kha và Au manoir de Khai. Hà khẳng định: “Đến tháng sau, tôi sẽ là tổng giám đốc Khaisilk”.
Đó là một người Singapore, ông ngồi ăn, quan sát chăm chú, rồi đột nhiên gọi người phục vụ lại và hỏi: “Cô có thích đi Singapore học không? Tập đoàn Amara sắp mở một khách sạn lớn ở TP.HCM”. Người khách ấy là ông Lee Weng Kee, chủ tịch hội đồng quản trị của Amara.
Ngọc Hà nhớ thời thực tập cô cũng từng một lần nghe chính ông khách này hỏi một điều tương tự nhưng đã phải từ chối ngay vì… sợ. Lần này, sợ bị từ chối nữa, ông Lee gửi ngay một số điện thoại bảo sáng hôm sau sẽ có giám đốc nhân sự Amara bay từ Singapore sang, cô nên đến gặp.
Amara là tập đoàn khách sạn quốc tế lớn thứ ba đang đầu tư ở VN lúc đó. Giám đốc nhân sự nói với cô về cơ hội của đợt huấn luyện cuối cùng tại Singapore. Ngọc Hà xin thêm thời gian suy nghĩ. Buổi chiều, người của Amara gọi điện đến nhà cô đề nghị gửi hình để làm passport. Vậy là đi Sing!
Sáu tháng trời ở Singapore mở ra cho cô một chân trời lớn hơn: đất nước đảo quốc nhỏ bé này có nền công nghiệp khách sạn đi trước Sài Gòn chừng mấy chục năm. Những điều đọc trong sách vở, bây giờ cô đã sờ mó được rồi. Người ta dạy cho Ngọc Hà tất cả: từ cách quản lý nhà hàng, bar, nhân sự, tính giá...
Cô còn tranh thủ xin học thêm tại trường dạy nghiệp vụ khách sạn nổi tiếng ở Sing là Shatec. Ngọc Hà bây giờ như đã chạm được những nấc đầu tiên của những hoạch định riêng cho mình. Cô ký hợp đồng ba năm với khách sạn Amara trong chức danh trợ lý giám đốc ẩm thực - phụ trách hội thảo, hội nghị. Sau đó Hà lần lượt làm giám đốc kinh doanh tiếp thị, trợ lý giám đốc bộ phận kinh doanh (phụ trách phần chiến lược phát triển).
Thời điểm của năm 1998, Ngọc Hà là một trong những người đầu tiên thực hiện các chương trình tạo sự kiện với vai trò của một PR. Cô thách thức: “Nếu tôi làm đạt doanh thu được giao, nhân viên tôi được gì?”. Kết quả, nhân viên cô lúc nào cũng được hưởng lương tháng 14, còn cô hưởng tới tháng lương thứ... 15. Thời điểm đó các công ty đua nhau tổ chức hội nghị, hội thảo ở các khách sạn khu vực trung tâm, còn Ngọc Hà thì biến Amara thành trung tâm tổ chức tiệc cưới, tổ chức các sự kiện cho các công ty với giá... không thấp một chút nào.
Sau ba năm, một lần nữa Ngọc Hà quyết định đi học tiếp. Không thể nào chấp nhận cảnh người Việt dù cố gắng cỡ nào cũng chỉ vươn tới vai trò giám đốc kinh doanh tiếp thị! Và trường cô chọn là Swiss Hotel Management School - một trường đại học danh tiếng của Thụy Sĩ mà bất kỳ giám đốc khách sạn nào cũng mơ ước được vào học nơi đó. Cô muốn có một bằng thạc sĩ ngành ẩm thực!
Số tiền 30.000 USD học phí lẽ ra đủ để Ngọc Hà mở một doanh nghiệp riêng, nhưng như thế sẽ chỉ quẩn quanh với những gì đã biết, cô muốn đầu tư vào tương lai hơn. Sang Thụy Sĩ học và được chu du khắp châu Âu, Hà cảm thấy hài lòng với quyết định của mình. Tốt nghiệp với số điểm khá cao, Ngọc Hà được các tập đoàn quốc tế nhận vào làm.
Cô chọn Tập đoàn Le Meridien bởi tính cách trộn lẫn Pháp - Mỹ ở đây. Vậy là sang Anh làm để tranh thủ nộp đơn xin học thêm các khóa quản lý dự án du lịch của Trường Manchester University. Cô làm việc với chức danh quản lý, xử lý dữ liệu - hoạch định chiến lược kinh doanh cho chuỗi nhà hàng khách sạn Le Meridien. Thời gian làm việc 12 giờ/ngày.
Cuối tuần, cô tranh thủ đăng ký làm bán thời gian cho các nhà hàng, khách sạn khác từ 8-10 giờ/ngày chỉ với mục đích đi và quan sát nhiều hơn các nhà hàng của Anh như thế nào. Lương của người Anh bình thường là 4-5 bảng Anh/giờ nhưng với bằng cấp của cô, người ta phải trả đến 6,5 bảng Anh/giờ.
Tháng 9-2004, Ngọc Hà về VN. Chỉ định về nghỉ một thời gian rồi lại quay sang Canada với công việc quản lý mà cô đã tìm được trong một nhà hàng lớn với mức lương tháng là 5.000 đôla Canada. Còn hai ngày nữa lên đường thì tình cờ Hà bước chân vào nhà hàng Nam Phan, giật mình nhận ra một vẻ đẹp, theo thói quen ở nước ngoài, cô lại thấy “hễ cái gì người Việt mà làm đẹp đều thấy tự hào như là của chính mình vậy”. Hỏi ra, nó nằm trong chuỗi nhà hàng khách sạn của Khaisilk.
Ngọc Hà quyết định ngày mai sẽ nộp hồ sơ ứng thí vào chức tổng giám đốc: “Từ trước giờ chỉ có tôi đi tìm công việc chứ không bao giờ để công việc tìm tôi”. Chủ nhà hàng gặp, nhận xét: “Cô có vẻ thích quyền lực!” rồi đề nghị một thử thách: làm giám đốc ẩm thực, đầu tiên chỉ phụ trách một nhà hàng rồi sau đó mới tính đến vị trí tổng giám đốc. Cô chấp nhận và bắt đầu những thay đổi cơ bản của mình, lần đầu tiên sau hơn 10 năm trời ấp ủ, Ngọc Hà áp dụng công nghệ quản lý chuỗi nhà hàng cho hệ thống của Khaisilk Group.
Nhân viên sau này kể lại: chỉ trong bảy tháng cô cải tiến mọi cái bằng mấy năm trời. Cô muốn những vị khách VIP, các nguyên thủ quốc gia các nước đến TP.HCM sẽ chứng kiến những kiểu cách tinh tế và nghệ thuật phục vụ chẳng thua bất cứ một nơi nào. “Điều căn bản nhất mà tôi muốn nhân viên mình có được ấy là suy nghĩ nhanh, quyết đoán nhanh và làm việc nhanh - đó là tiêu chuẩn của một nhân viên trong môi trường làm việc mang tính quốc tế...”.
Đối với riêng mình, hành trang bao nhiêu năm ra đi, học hỏi, và nay cô mang trở về VN là niềm vui lớn và cũng là niềm tự hào, bởi khi nói tới đẳng cấp quốc tế thì nhiều người cứ nghĩ nó đang ở đâu đâu mà sao không thể là chính tại VN và do con người VN tạo nên!...
Theo loạt bài viết “Những người “làm thuê số 1” ở Việt Nam” của Báo Tuổi Trẻ