24/11/07
Một trong những gương mặt tiêu biểu của Kinh Tế
Là sinh viên khóa 29 của trường Đại học Kinh Tế Tp.HCM đồng thời đạt danh hiệu khen thưởng “Sinh viên 3 tốt” xuất sắc của khoa Kế toán-kiểm toán, chị Thảo (tên họ đầy đủ là Trương Nguyễn Mai Thảo) có những suy nghĩ rất khác mọi người về việc học tập. Chị đã khiến tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi trò chuyện cùng chị.
Với thành tích học tập rất đáng khâm phục: 7,9 – ĐTB phần đại cương và liên tục trên 9,0 trong suốt những năm cuối - khi được hỏi rằng tại sao chị có thể đạt được điểm số rất cao trong nhiều học kỳ liên tiếp như vậy, chị đã chân thành chia sẻ phương pháp học của mình-một phương pháp tuy không mới nhưng phải rất nghiêm túc mới thực hiện được. Đó là luôn đọc bài trước khi đến lớp giúp chị hình thành trước cái nhìn tổng quan cho bài học và theo dõi bài trên lớp dễ dàng hơn; trong quá trình nghe giảng, điểm nào không hiểu thì nên ghi chép lại và đọc sách để tìm hiểu sau. Chị cười bảo rằng mình may mắn khi có khả năng cảm giác và nắm bắt được đâu là phần quan trọng của vấn đề, đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp chị tiếp thu tốt bài vở ở lớp. Thực hành là việc không thể bỏ qua trong quá trình học. Làm bài tập thường xuyên giúp chị hình thành kỹ năng xử lý nhanh các vấn đề mà chị gặp phải. Đặc biệt, chị học rất nghiêm túc trước mỗi kỳ thi. Đọc lại toàn bộ sách và không bỏ lỡ phần nào đã mang lại cho chị những kết quả rất tốt. Luôn tìm rất nhiều tài liệu khác nhau để tham khảo cho một vấn đề, việc này giúp chị mở rộng và củng cố kiến thức thật sự hiệu quả. Sinh viên Kinh tế thì phải tích lũy cho mình kiến thức xã hội ngoài những kiến thức chuyên môn học trên lớp. Internet cùng sách báo là một kho thông tin vô tận cho chị làm dày thêm hiểu biết của mình.
Với một phương pháp học đòi hỏi nhiều thời gian như vậy, thật bất ngờ khi nghe chị nói rằng đi làm thêm đối với chị cũng rất quan trọng. Chị có cái nhìn rất thú vị đối với khía cạnh này. Nghĩ rằng sinh viên đại học sẽ có rất nhiều thời gian rảnh nếu không đi làm, chị nói rằng đi làm thêm sẽ khiến quỹ thời gian của chị trở nên eo hẹp hơn. Điều đó sẽ tạo nên một áp lực cần thiết để giúp chị hoàn thành những kế hoạch học tập đã đề ra. Quá nhiều thời gian rảnh khiến người ta trở nên chủ quan và đôi khi lười biếng. Ngoài ra, đi làm thêm giúp chị gây dựng được nhiều mối quan hệ. Quen biết rộng thật sự rất có ý nghĩa đối với một sinh viên Kinh tế.
“ Trong suốt hai năm đầu đại học, chị rất ít tham gia các hoạt động trong trường.” giọng chị đầy tiếc nuối. Đến năm thứ 3 và thứ 4, chị mới bắt đầu thay đổi. “Là thành viên của nhóm Sáng tác sinh viên và câu lạc bộ Kế toán-kiểm toán, chị đã thực sự gặp được nhiều người bạn thú vị và thế giới xung quanh chị như được mở rộng hơn” Chị đã cười rất tươi khi nói như vậy.
Phần nhiều sinh viên thường lơ là các môn học ở phần đại cương và chỉ chú ý môn học chuyên ngành. Chị thẳng thắn nói rằng chị phản đối cách học như vậy. “Thực ra từ nhỏ đến lớn, chị chưa bao giờ xem thường một môn nào.” Ngoài những môn như Kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô hay xác suất thống kê… là những môn nền tảng thì các môn như Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học tuy không cung cấp kiến thức trực tiếp nhưng lại rèn cho chị phương pháp tư duy một cách logic và khoa học. Có nhiều nhân tố khách quan khác nhau khiến ta có thể không thích những môn như vậy nhưng dù sao chị cũng cố gắng học tốt để không bỏ lỡ cơ hội xây dựng năng lực tư suy và suy luận. “ Chị luôn coi học là một điều thú vị. Chưa bao giờ chị nghĩ đó là nghĩa vụ hay trách nhiệm và cảm thấy việc học quá nặng nề. Đôi khi xem việc học như một niềm vui đã mang lại cho chị nhiều hứng khởi hơn khi học.”
Trong số rất nhiều chuyên ngành khác nhau của trường Kinh Tế, chị đã chọn cho mình ngành Kế toán. Đôi mắt ánh lên niềm vui khi được hỏi về chuyên môn: “Thực ra ban đầu chị định chọn Quản trị kinh doanh, vì một vài lý do, chị đã đăng kí ngành Kế toán. Khi vào học rồi, chị đã thực sự yêu thích và cảm thấy mình phù hợp với nó.” Kế toán thực sự là một môn rất hay. Làm việc thường xuyên với số liệu và phân tích chúng giúp cho chị có một tầm nhìn tốt. “Khi nhìn vào một con số, chị biết được ý nghĩa của nó và biết ngay liệu có sai sót không với những số liệu đó.” Yêu thích những con số, trung thực, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp là những điều chị luôn tâm niệm khi làm kế toán.
Luôn nói rằng điều hối hận nhất của chị là đã không đầu tư đúng mức cho môn Anh Văn. “Chị nhận ra mình gặp rất nhiều bất lợi khi chưa thật sự thành thạo ngôn ngữ này.” Trang bị cho mình một ngôn ngữ khác như Anh, Nhật hay Pháp và sử dụng thành thạo nó sẽ là một lợi thế lớn cho bất kỳ ai, đặc biệt là sinh viên Kinh tế.” Ngôn ngữ sẽ giúp chúng ta tiếp cận với nhiều kiến thức mới và cập nhật nó hằng ngày. Đi làm rồi chị mới nhận ra điều đó.
Vừa tham dự lễ Bế giảng và nhận Bằng Tốt nghiệp vừa qua tại trường, chị nay đã là một cựu sinh viên Kinh Tế. Dù công việc hiện tại khá bận rộn - là kế toán của ILA Việt Nam, nhưng chị vẫn luôn dành thời gian cho sở thích của mình. Hay lướt net, trò chuyện cùng bạn bè và đọc sách-thường là truyện ngắn và đôi khi thư giãn với truyện tranh, chị tâm sự: “Đọc sách thật sự khiến tâm hồn ta thêm rộng mở”. Mong rằng cô gái 21 tuổi cởi mở và đầy tự tin này sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới trong tương lai không xa.
Khánh Linh – Nhóm STSV
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét