Một đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã ngang nhiên xây sân bay trên đảo
Quyết định của Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý ba quần đảo, trong đó có quần đảo Tây Sa và Nam Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, là hành động ngang ngược, bất chấp lẽ phải, chà đạp lên sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo ấy.
Luận điểm đầu tiên của chính quyền tỉnh Quảng Đông khi công khai khảo sát Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa vào năm 1909, là cho rằng quần đảo "Tây Sa" là đất vô chủ (res nullius), hải quân tỉnh Quảng Đông cắm cờ trên đảo và bắn 21 phát súng đại bác tại một số đảo ở Hoàng Sa năm 1909.
Sau khi dùng vũ lực một cách bất hợp pháp cưỡng chiếm Hoàng Sa vào trung tuần tháng giêng năm 1974, Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm tài liệu để cố gán ghép bằng cách cắt xén, nếu cần thì xuyên tạc với sự đóng góp của các nhà học giả như Sử Lệ Tổ đưa ra luận điểm cho rằng "các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc", do nhân dân Trung Quốc "phát hiện sớm nhất", "kinh doanh sớm nhất", do chính phủ các triều đại Trung Quốc "quản hạt sớm nhất" và viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử mang tính suy diễn để dẫn chứng (Quang Minh Nhật Báo, 24-11-1975).
Những luận cứ cố gán ghép
Để minh chứng cho sự xác lập chủ quyền của mình ở Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại cũng đưa ra những luận điểm được coi là "vững mạnh nhất" như sau:
1.
Trung Quốc khẳng định các đảo Nam Hải đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường năm 789. Đúng sử sách Trung Quốc như sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát có chép những thay đổi về qui chế hành chính từ đời Hán đến đời Tống, trong đó có việc Quỳnh Sơn, một quận của đảo Hải Nam thời đó (xin nhấn mạnh) - sau thuộc thành phố Hải Khẩu - được đặt thành "phủ đô đốc" vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường, tức năm 789.
Nhưng qua các sách Đường Thư, Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Dư Địa Kỷ Thăng (1221), Quảng Đông Thông Chí (1842) thì vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường tại đảo Hải Nam chỉ thấy có chuyện kể viên đô đốc nhà Đường là Lý Phục mang quân sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo và xin vua Đường đặt phủ đô đốc ở quận Quỳnh Sơn, không hề có chuyện "sáp nhập bất kỳ đảo ở biển Nam Trung Hoa vào đảo Hải Nam".
2.
Trung Quốc phái thủy quân đi "tuần tiễu", Trung Quốc đã viện dẫn các sự kiện để chứng minh. Trước hết về luận cứ "phái thủy quân tuần tiễu cương giới biển", luận chứng của nhóm Hàn Chấn Hoa chỉ dựa vào một đoạn trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu, song những đoạn văn này hoàn toàn không chứng minh được lập luận "Trung Quốc phái thủy quân tuần tiễu quần đảo Tây Sa bắt đầu đời Tống".
Nhóm Hàn Chấn Hoa đã cố gán ghép hai đoạn văn vào với nhau gồm đoạn văn nói về lộ trình "Từ đồn Môn Sơn đến các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc" tiếp liền vào đoạn văn đầu viết về "đặt dinh lũy thủy quân tuần tiễu ở hai cửa biển Đông và Tây". Điều này không đúng với nguyên bản Vũ Kinh Tổng Yếu. Đây chỉ là sự cố gán ghép "đầu Ngô mình Sở" để cố minh chứng việc tuần tiễu thủy quân đời Tống qua đất "Cửu Nhũ Loa Châu" mà nhóm này cho là Tây Sa.
Còn việc tuần tiễu của Ngô Thăng, trước hết tìm hiểu vị trí các địa danh trên, chúng ta được biết Quỳnh Nhai là thủ phủ Quỳnh Châu ở phía bắc đảo Hải Nam, Đồng Cổ là quả núi cao 339m ở phía đông bắc đảo Hải Nam, Thất Châu Dương là phía đông đảo Hải Nam, Tư Canh Sa là bãi cát phía tây đảo Hải Nam. Đây chỉ là cuộc tuần tiễu của Ngô Thăng quanh đảo Hải Nam, chứ không đến Tây Sa, nên nhớ rằng Thất Châu Dương ở phía đông đảo Hải Nam nên không hề là Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, vốn cách Hải Nam hơn 350 hải lý về phía đông nam.
3.
Các đảo Nam Hải đã được vẽ vào bản đồ Trung Quốc. Các tác giả bộ sưu tập do Hàn Chấn Hoa chủ biên cũng rất "công phu" đưa ra 13 bản đồ và chia làm hai loại. Một loại là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh có vẽ các đảo Nam Hải. Một loại khác là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh và các nước phiên thuộc, cũng có vẽ các đảo Nam Hải.
Bằng chứng thuyết phục
Có rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh, trong đó có bản đồ ấn bản gần thời điểm có tranh chấp như bản đồ Đại Thanh Đế Quốc trong Đại Thanh Đế Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 đã vẽ cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không vẽ bất cứ hải đảo nào khác ở biển Đông.
Bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống dư địa tổng đồ trong cuốn Hoàng Thanh Nhất Thống dư địa toàn đồ xuất bản năm Quang Tự 20 (1894) đã ghi rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông ở 18 độ 30 phút Bắc, trong khi Tây Sa hay Hoàng Sa được Trung Quốc đặt tên, có đảo ở vị trí cao nhất là 17 độ 5 phút. Điều này chứng tỏ Tây Sa hay Hoàng Sa chưa hề là lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong khi đó, ngay tài liệu của chính người Trung Quốc như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.
Thời kỳ Đại Việt, từ thời kỳ Nam Bắc phân tranh và thời Tây Sơn, nguồn tư liệu về Hoàng Sa hầu như chỉ còn lại tư liệu của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà, chủ yếu là Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, năm 1686, trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ bản đồ và Phủ Biên Tạp Lục, năm 1776 của Lê Quý Đôn.
Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ, năm 1686 có bản đồ là tài liệu xưa nhất, ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng. Còn tài liệu trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, quyển 2 có hai đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
Sang thời kỳ triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833). Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII.
- Đại Nam Thực Lục phần tiền biên, quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844) tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
- Đại Nam Thực Lục Chính biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Tài liệu rất quí giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại kho lưu trữ trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám, sau đó lại tiếp tục.
- Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần hai và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản...
Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.
Về những tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta thấy:
- Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Ký Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.
- Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Trung Quốc.
Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1-1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.
TS NGUYỄN NHÃ
* Những tư liệu phương Tây xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
- Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.
- An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam.
- The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels).
- The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét